Phong thủy khi dọn nhà cuối năm

07/12/2013 1039 lượt xem Share
Có thể nói rằng không khí tết luôn bắt đầu khi nhà nhà bước vào thời điểm cuối năm dọn dẹp, vệ sinh... cho sạch gọn, qua đó “thổi” luồng sinh khí mới vào không gian cư trú. Khoan bàn đến chuyện tận hưởng năm mới bằng cách đóng cửa du xuân, hoặc quan niệm “nhà cũ cần gì dọn dẹp”, chỉ cần năm mới khởi đầu trong một không gian tươi tắn sạch sẽ, ấm áp quây quần thì chắc chắn ai cũng hứng khởi, vui vẻ, an hoà. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có nhiều mặt ưu và khuyết, để tránh làm sai lệch về không gian cũng như phong thuỷ, cũng như giảm bớt công sức và chi phí tốn kém cho gia chủ, cần một vài lưu ý về mặt nội thất và phong thuỷ khi dọn nhà cuối năm:

Lưu ý các vùng chuyển tiếp trong ngoài, như bậu cửa sổ, bậc thềm, sảnh vào cửa chính… vốn là nơi đón và tiễn khách chủ yếu của nhà, khi chưng dọn đồ mới sẽ tạo nên sắc thái mới. Các vật dụng ưu tiên cho khu vực chuyển tiếp thường là chậu cây bon sai hoặc cây kiểng đẹp chịu bóng râm, tượng trang trí bằng đá hay đồng, tranh ảnh tươi tắn hay câu đối, hình dán linh vật của năm, treo đèn lồng... Cần quan tâm chiếu sáng và âm thanh tương ứng cho vật trưng bày, bằng cách dùng thêm đèn pha, đặt thác nước, lu nước phong thuỷ chảy róc rách, treo phong linh, ống sáo trúc để tăng cường âm thanh vui tai và kích thích luân chuyển sinh khí trong nhà. Những giải pháp này ít ảnh hưởng đến “phần cứng” của nhà, nhưng đòi hỏi gia chủ phải có sự chọn lựa cân nhắc sao cho hài hoà, trang nhã, tránh loè loẹt hay chưng đồ dày đặc.
Lưu ý các khoảng trống và trung cung của nhà: đa số mọi người hay xếp đặt đồ đạc bám dọc tường nhà, bố trí bám theo các bức tường mà quên phần trung cung, thường là những khu vực đi lại, khoảng trống giữa các phòng, giếng trời hay trục cầu thang. Chính những vùng này là điểm thu hút sinh khí và dẫn dắt tầm nhìn cho nội thất. Nên dọn sạch sẽ, tăng cường chiếu sáng và có thể đặt thêm vật dụng trang trí như một tấm thảm tròn, bộ bàn nhỏ đặt bình hoa... cho các khu vực này. Đối với căn hộ chung cư, trung cung thường là phần giao điểm giao thông qua lại các phòng, nên dọn dẹp quang đãng, nếu có vách ngăn ở trung cung thì có thể tạo điểm nhấn như bố trí tiểu cảnh, bình gốm (thuộc thổ, bình hoà) hoặc treo tranh ảnh ở đây… cũng là biện pháp tốt tạo nên trung cung sáng sủa và sinh động vào năm mới.
Lưu ý “lập lại trật tự” sau một năm nhiều biến động của một số vật dụng nếu có bị xáo trộn hoặc bị các vật dụng khác che chắn, làm thay đổi phương vị vốn có của chúng. Ví dụ phần đầu giường ngủ và hai bên đầu giường hay treo tranh, đặt đồ dùng lặt vặt… thì cuối năm cần làm gọn, chỉ chọn lọc những vật dụng có tính đặc trưng và tạo nên sự an lành hài hoà như một tấm ảnh người thân, vài quyển sách ưa thích, chiếc đồng hồ báo thức. Phòng làm việc cũng là một khu vực hay bị xáo trộn nội thất do tác động của sách vở, vật dụng, thiết bị văn phòng gia tăng trong quá trình sử dụng. Do vậy nên dọn dẹp, hoán chuyển vật dụng gọn ghẽ sao cho phần trước mặt người làm việc nhìn ra (tiểu minh đường) cần quang đãng, treo tranh ảnh có hình thức, nội dung tươi tắn vui vẻ, đặt cây xanh mang tính thư giãn, giảm áp lực công việc. Các vật dụng ưu tiên cho không gian riêng tư nên là đèn bàn, đồng hồ nhỏ, bình gốm hoặc lọ thuỷ tinh, khung hình trang trí, bình hoa tươi và hoa khô... nói chung là các sản phẩm thuộc nhóm hành thuỷ và mộc, hạn chế hành kim ở không gian làm việc, thư giãn.
Lưu ý các vị trí ăn uống, đãi khách cũng là nơi cần “tốt khoe xấu che” vào dịp tết bởi khu vực này sẽ thường xuyên tập trung người trong dịp năm mới. Cần bổ sung các vật dụng mang tính chất vừa trang trí vừa sử dụng hiệu quả như hộp khăn giấy, giá để rượu, khay trà… Tránh xếp đặt tuỳ tiện theo kiểu gặp đâu ngồi đấy, khi nhà có nhiều khách sẽ vướng víu và bất tiện. Cũng cần dự trù khoảng trống cho trẻ em vui đùa, nên có thể cất bớt đi một vài đồ đạc, che chắn bớt các góc cạnh sắc nhọn để giải phóng không gian và tránh nguy hiểm cho trẻ em vào dịp tết.
Cuối cùng, gia chủ cũng nên giữ được sự kiềm chế trong mua sắm vật dụng mới vào dịp đầu năm và biết “quy hoạch” lại đồ nội thất cũ sao cho ngăn nắp, ít chi tiết thừa, sử dụng đồ nội thất có khả năng thay đổi linh hoạt hoặc đa năng. Các thành viên trong gia đình tuỳ theo lứa tuổi, giới tính, công việc, sinh hoạt… mà sắp xếp lại không gian riêng sao cho phù hợp, đưa cá tính và sự vui thích về trang hoàng nhà cửa vào nội thất nhiều hơn. Không gian ở không thể nở rộng ra thêm, do đó ta cần làm mới nhà cửa bằng sự chắt lọc và bài trí khéo léo, có chính phụ và trọng tâm, đem lại một không khí tươi tắn, tinh khôi cho nhà cửa vào dịp năm mới.
 
Doananhquoc.com theo Ths.KTS Hà Anh Tuấn (SGTT)
Tags: